SANH GIÚP

BS Đoàn Trung Hiếu – BV Từ Dũ

Bài viết này sẽ cung cấp thông tin cho người đọc về cuộc sanh ngả âm đạo có trợ giúp (thường gọi tắt là sanh giúp). Trong một cuộc sanh giúp, bác sĩ sẽ dùng dụng cụ được thiết kế đặc biệt để trơ giúp sổ thai trong giai đoạn cuối của chuyển dạ.

KHI NÀO THÌ SẢN PHỤ CẦN SANH GIÚP?

Có vài nguyên nhân, thường gặp nhất là:
– Sản phụ không đủ sức tự rặn để sanh
– Có nghi ngờ về tình trạng thai nhi không được khỏe
Khi thực hiện kỹ thuật sanh giúp, bác sĩ sản khoa sẽ dùng dụng cụ (giác hút hay forceps) để giúp thai nhi ra ngoài, sao cho cuộc sanh gần giống với chuyển dạ tự nhiên nhất, ảnh hưởng ít nhất đến mẹ và con.

SANH GIÁC HÚT LÀ GÌ?

Giác hút là loại dụng cụ hình dạng như cái chén (kim loại hay nhựa), đặt lên phía đầu thai, và dính với đầu thai bằng lực hút liên tục. Bác sĩ sẽ đợi khi có cơn gò để hướng dẫn sản phụ rặn, đồng thời kéo nhẹ nhàng, liên tục nắp giác hút để giúp sổ đầu thai ra ngoài.

SANH FORCEPS LÀ GÌ?


Forceps (đọc là phooc-xep, còn gọi là kềm) là dụng cụ gồm 2 phần giống như 2 cái muỗng lớn, được thiết kế với độ cong ôm vừa đầu thai nhi. Sau khi đặt từng cành forceps để ôm trọn đầu thai, bác sĩ sẽ đợi khi có cơn gò tử cung, yêu cầu sản phụ rặn và đồng thời kéo nhẹ nhàng, liên tục để giúp sổ đầu thai ra ngoài.

CUỘC SANH GIÚP DIỄN RA NHƯ THẾ NÀO?

Forceps và giác hút chỉ được sử dụng để sổ thai nếu đó là phương pháp sanh an toàn nhất cho mẹ và con tại thời điểm đánh giá. Lý do cần sanh giúp, việc lựa chọn dụng cụ, các nguy cơ của thủ thuật sẽ được thảo luận với sản phụ trước.
Trước khi tiến hành thủ thuật, bác sĩ sẽ thăm khám âm đạo một lần nữa để khẳng định đây là phương pháp thích hợp nhất cho sản phụ. Sau đó sản phụ được đặt thông tiểu để làm trống bàng quang.
Một số sản phụ đã được giảm đau bằng gây tê ngoài màng cứng. Nếu chưa được gây tê ngoài màng cứng, lúc này sản phụ sẽ được gây tê tại vùng tầng sinh môn.
Trong khi đặt dụng cụ và sổ thai, đôi khi cần phải cắt tầng sinh môn để thai lọt ra dễ dàng hơn.

CHỌN LỰA GIÁC HÚT HAY FORCEPS?

Giác hút và forceps đều an toàn và hiệu quả. Có nhiều loại giác hút và forceps khác nhau, và một số loại có công dụng đặc biệt, chẳng hạn để xoay đầu thai về tư thế thích hợp. Bác sĩ sản khoa sẽ cân nhắc lựa chọn dụng cụ thích hợp tùy vào sản phụ, thai nhi và tình trạng cuộc chuyển dạ.
Giác hút không thích hợp khi thai nhỏ hơn 34 tuần tuổi, vì đầu thai vẫn còn mềm, nếu sử dụng làm tăng nguy cơ xuất huyết và vàng da.

NHỮNG YẾU TỐ NÀO KHIẾN CUỘC SANH GIÚP CÓ THỂ KHÔNG THÀNH CÔNG?

– Sản phụ béo phì
– Thai to
– Thai nhi lọt với kiểu thế sau
– Đầu thai chưa lọt thấp trong khung chậu
Trong trường hợp sanh giúp bằng giác hút không thành công, có thể bác sĩ sẽ quyết định sử dụng forceps. Tùy tình huống lâm sàng, có thể cần phải phẫu thuật để lấy thai ra.

SẢN PHỤ ĐƯỢC CHĂM SÓC THẾ NÀO SAU SANH GIÚP?

Vết cắt / rách tầng sinh môn: bác sĩ sẽ may phục hồi vết cắt hoặc vết rách vùng tầng sinh môn bằng chỉ tan. Sau đó sản phụ cần giữ vệ sinh sạch sẽ vết may để tránh nhiễm trùng và giúp mau lành.
Giảm đau: Sản phụ sẽ được giảm đau thích hợp sau sanh bằng paracetamol hay thuốc giảm đau nhóm NSAIDs.
Giảm nguy cơ huyết khối: Việc mang thai làm tăng nguy cơ huyết khối ở tĩnh mạch chân và vùng chậu. Nguy cơ này tăng lên sau sanh giúp. Sản phụ cần tập vận động càng sớm càng tốt sau sanh. Tùy trường hợp, có thể sản phụ sẽ được khuyến cáo mang một loại vớ đặc biệt, hoặc chích heparin mỗi ngày để ngừa hình thành huyết khối.

THAI NHI SAU SINH CẦN CHÚ Ý GÌ?

Nắp giác hút thường để lại một khối mềm trên đầu thai nhi, khối này thường mất sau 24-48 giờ. Thỉnh thoảng nắp giác hút cũng tạo nên một khối máu bầm, cũng thường biến mất dần mà không gây hậu quả gì, ngoài việc có thể gây vàng da nhẹ trong vài ngày đầu.
Đối với trẻ được sanh bằng forceps, thường gặp nhất là hằn dấu cành forceps trên mặt bé, cũng thường biến mất sau 24-48 giờ. Hiếm hơn là các dấu chợt da và xước da, cũng rất mau lành.

Để biết thông tin, tư vấn bạn có thể:


Cùng chuyên mục

Có liên quan khác

+


Lịch khám

Hotline
0919.272.911