BĂNG HUYẾT SAU SANH

BS ĐOÀN TRUNG HIẾU – BV TỪ DŨ

Thỉnh thoảng khi trò chuyện với nhau, mọi người thường hay nghe kể với nhau: Chị này đi sanh bị “làm băng” phải truyền máu, cô khác bị “làm băng” nặng quá phải cắt bỏ tử cung. Nghe rùng rợn vậy chứ it ai hiểu tường tận “làm băng” là gì? Nó có nguy hiểm không? Các bác sĩ phải làm gì để giải quyết tình trạng này? Bài viết tóm tắt dưới đây sẽ giới thiệu cho mọi người cái nhìn sơ lược về hiện tượng “làm băng” (từ chuyên ngành gọi là băng huyết sau sanh), một trong những tai biến sản khoa thường gặp nhất.

Ngay sau khi sanh, thông thường sản phụ sẽ có mất máu, từ nơi nhau bám ở buồng tử cung và từ vết cắt hay vết rách ở tầng sinh môn (nếu có). Tình trạng chảy máu thường nhiều nhất ngay sau sanh, và giảm dần theo thời gian. Lượng máu này, còn gọi là sản dịch, đổi dần từ đỏ sang nâu trong vài tuần, và thường ngưng hẳn trong vòng 3 tháng.

 Băng huyết sau sanh (BHSS) là gì?
BHSS là mất máu nhiều sau sanh, được chia làm 2 nhóm nguyên phát và thứ phát.
– BHSS nguyên phát: mất máu hơn 500ml trong 24 giờ đầu sau sanh
– BHSS thứ phát: ra huyết bất thường hoặc nặng lên trong khoảng 24 giờ đến 12 tuần sau sanh.

 Những ai có nguy cơ BHSS?
Yếu tố nguy cơ trước sanh: nhau tiền đạo, nhau bong non, đa thai, tiền sản giật, thiếu máu mạn, BMI > 35, tiền sử từng bị BHSS, u xơ tử cung, bệnh lý đông cầm máu
Yếu tố nguy cơ khi sanh: mổ lấy thai, khởi phát chuyển dạ, sanh giúp, cắt tầng sinh môn khi sanh, chuyển dạ kéo dài, con to >4kg, con so lớn tuổi, sốt trong chuyển dạ
Vì vậy, nếu có thiếu máu mạn, sản phụ nên uống bổ sung sắt trong thai kỳ, để giảm nguy cơ phải truyền máu. Còn những yếu tố nguy cơ khác hấu như không can thiệp được.

 Bác sĩ làm gì để giảm nguy cơ BHSS?
Ngay sau sanh ngả âm đạo, sản phụ sẽ được tiêm bắp đùi thuốc gò tử cung, giúp cầm máu và nhau bong khỏi buồng tử cung. Sau đó sản phụ sẽ được kiểm tra và may cầm máu vết cắt / vết rách ở tầng sinh môn.
Khi mổ lấy thai, sau khi thai vừa ra, thuốc gò tử cung cũng sẽ được truyền và bánh nhau sẽ được lấy ra theo đường vết mổ.
Nếu sản phụ có nguy cơ cao BHSS, có thể cần phải phối hợp nhiều thuốc gò tử cung khác nhau.

 Bác sĩ điều trị BHSS như thế nào?
Khi nhận ra BHSS nơi sản phụ, những nhân viên y tế khác sẽ được báo động để cùng vào xử trí tình huống cấp cứu. Sản phụ sẽ được thực hiện nhiều biện pháp để giúp cầm máu:
– Xoa đáy tử cung
– Tiêm thêm các loại thuốc gò tử cung khác
– Đặt thông tiểu làm trống bàng quang
– Đặt thêm đường truyền tĩnh mạch, truyền dịch hoặc truyền máu nếu cần
– Kiểm tra bánh nhau và lòng tử cung để tránh sót nhau
– Kiểm tra đường sinh dục và may cầm máu vết cắt / vết rách
– Theo dõi mạch, huyết áp sản phụ.
Nếu những xử trí ban đầu vẫn chưa hiệu quả, có thể bác sĩ cần thực hiện thêm những biện pháp sau:
– Đặt bóng chèn lòng tử cung
– Mổ bụng thực hiện các biện pháp cầm máu tử cung, nếu không thành công có thể phải cắt tử cung.
– Ở một vài tình huống, bác sĩ chuyên khoa hình ảnh học có thể thực hiện thuyên tắc động mạch tử cung để giúp cầm máu.

 Sản phụ từng bị BHSS cần chuẩn bị thai kỳ sau như thế nào?
Một khi đã bị BHSS, sản phụ sẽ tăng nguy cơ bị lại BHSS trong những lần sanh sau. Vì vậy trước và trong khi mang thai, sản phụ cần uống bổ sung sắt để tránh bị thiếu máu. Khi đi sanh, sản phụ cũng nên chọn sanh tại những cơ sở có đầy đủ phương tiện chăm sóc và điều trị, tránh việc sanh tại nhà hay tại các cơ sở không đủ trang bị phương tiện cấp cứu.

Nguồn: RCOG
Lược dịch: BS. Đoàn Trung Hiếu

Để biết thông tin, tư vấn bạn có thể:


Cùng chuyên mục

Có liên quan khác

+


Lịch khám

Hotline
0919.272.911