CHUỘT RÚT (VỌP BẺ) KHI MANG THAI

BS PHAN DIỄM ĐOAN NGỌC – BV TỪ DŨ

Chuột rút hay vọp bẻ là một trong những vấn đề rất thường gặp ở phụ nữ mang thai. Triệu chứng này thường hay xảy ra đột ngột về đêm làm một số bạn có thể rất lo lắng, đau và mất ngủ. Chuột rút cũng có thể bị nhưng hiếm gặp hơn ở một số cơ lưng, bụng và đùi, bàn tay và bàn chân. Chuột rút thường xảy ra ở bắp chân với những cơn co rút cơ làm bạn đau dữ dội. Tuy vậy chuột rút hầu như không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của mẹ và bé và đa phần cũng sẽ hết khi bạn sinh xong.

Nguyên nhân gây chuột rút

Thật sự hiện nay vẫn chưa có nguyên nhân nào được xác định gây chuột rút, một số nguyên nhân được phỏng đoán như:

  • Khi thai càng to, cơ thể mẹ ngày càng trở nên “nặng nề” và đặt một áp lực lớn lên các cơ bắp vùng chân. Các tĩnh mạch đưa máu từ chân về tim cũng như các dây thần kinh bị chèn ép có thể làm tăng tính co rút tự phát của cơ vùng bắp chân.
  • Mất nước khiến cơ thể bị rối loại điện giải gây ra tình trạng chuột rút.
  • Thiếu canxi, nhất là vào những tháng cuối thai kỳ, nhu cầu canxi của cơ thể tăng cao để có thể đáp ứng cho sự phát triển của thai nhi. Khi lượng canxi không đủ cung cấp cho em bé thì cơ thể tự ưu tiên canxi cho thai mà lấy đi canxi từ mẹ!

 Những cách nào có thể phòng ngừa và giảm tình trạng chuột rút?

  • Khi mang thai, tránh làm việc cường độ cao và kéo dài. Duy trì thói quen vận động nhẹ nhàng, điều độ. Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu. Nếu phải làm công việc văn phòng ngồi lâu, bạn hãy thường xuyên đứng lên, đi dạo vài bước và thực hiện các động tác kéo dãn tay, chân, cột sống nhé. Một số động tác rất hứu ích mời bạn đọc thêm trong bài Tập thể dục trong thai kỳ
  • Trước khi tập thể dục bạn nên thực hiện các động tác khởi động để làm nóng cơ thể và kéo dãn cơ. Điều này rất quan trọng vì nếu bạn tập các động tác nhanh, mạnh một cách đột ngột thì sẽ làm tăng nguy cơ bị chuột rút trong khi tập. Nhất là trước khi bơi lội. Bạn biết đấy, chuột rút trong khi bơi lội là CỰC KỲ NGUY HIỂM!
  • Thường xuyên xoa bóp, mát xa nhẹ nhàng vùng đùi đến bắp chân, cổ chân, bàn chân cũng giúp tăng cường lưu thông máu. Bạn có thể đọc thêm bài mình đã viết rất kỹ Mát xa trong thai kỳ.
  • Buổi tối khi đi ngủ bạn hãy kê chân cao lên gối mềm để giúp máu về tim tốt hơn. Nằm nghiêng giúp giảm áp lực lên mạch máu và cột sống giúp tăng cường lưu thông máu. Nằm nghiêng bên nào cũng được, ưu tiên bên trái nếu bạn có thể vì bên phải là tĩnh mạch chủ dưới, tĩnh mạch chính đưa máu về tim.
  • Chú ý bổ sung thực phẩm giàu kali, magiê, đặc biệt là canxi (thịt, cá, trứng, rau – củ – quả, đặc biệt là chuối, nho khô, lê…). Bạn có thể bổ sung thêm viên uống canxi và tham khảo bài mình đã viết rất chi tiết Bổ sung canxi trong thai kỳ.
  • Uống nhiều nước 2-2,5 lít nước một ngày.
  • Ngâm chân trong nước ấm giúp bạn ngủ ngon hơn và cũng giúp máu lưu thông giảm nguy cơ chuột rút

Làm gì khi bị chuột rút?

Khi bị chuột rút, bạn có thể sẽ rất hốt hoảng vì cơn đau xảy ra đột ngột, dữ dội có thể làm bạn không cử động được. Nếu có chồng hay người thân ở bên hãy nhờ họ giúp đỡ:

  • Kéo dãn cơ. Chuột rút hay bị ở bắp chân, hãy để thẳng chân, kéo mũi chân để cổ chân gập tối đa. Tư thế này sẽ giúp kéo dãn các cơ ở bắp chân và giúp bạn giảm đau. Bạn có thấy cách các cầu thủ làm khi bị chuột rút trên sân? Hãy nhờ chồng bạn giúp như vậy nhé! Nếu có đá banh, anh ấy sẽ có kinh nghiệm về chuyện này!
  • Xoa bóp nhẹ nhàng vùng cơ co rút và các cơ xung quanh cũng giúp bạn giảm đau
  • Chườm nóng hay chườm lạnh đều có tác dụng tốt giảm cơn đau. Một túi chườm mua ở cửa hàng vật tư y tế có thể giúp bạn giảm đau rất hiệu quả.
  • Kết hợp các phương pháp trên: bạn có thể tự thiết lập cho mình một trình tự kết hợp: kéo dãn –> mát xa –> chườm lạnh hoặc chườm nóng hoặc xen kẽ.
  • Nếu đã thực hiện các phương pháp trên mà vẫn không giảm đau, các cơn đau thường xuyên tái diễn hoặc kèm các dấu hiệu như tử cung gò cứng, ra huyết, ra nước âm đạo thì bạn nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ. Sau khi loại trừ các bệnh lý nguy hiểm cho thai như dọa sinh non, bác sĩ có thể kê thêm cho bạn một số loại vitamin và một số loại thuốc giảm đau cho bạn.

Nguồn: American Pregnancy Association

Để biết thông tin, tư vấn bạn có thể:


Cùng chuyên mục

Có liên quan khác

+


Lịch khám

Hotline
0919.272.911