THAI NHỎ, NHẸ CÂN – NỖI LO CỦA MẸ


BS CK1. NGUYỄN PHƯƠNG NAM – BỆNH VIỆN HÙNG VƯƠNG.
Nguồn: Hiệp hội Sản Phụ khoa Canada (SOGC)

Nỗi ám ảnh về cân nặng của bé không phải từ sau sanh mà bắt đầu ngay từ khi mang thai! Câu hỏi mà bác sĩ hay nhận được từ các mẹ nhiều nhất là: “Bs ơi, con em nay nặng nhiu rồi ạ?” Nếu lỡ chẳng may bé hơi nhỏ hoặc suy dinh dưỡng thì mẹ sẽ lo lắng lắm, kéo theo là bao nhiêu câu hỏi, băn khoăn, thắc mắc!
📚Tại sao bé lại nhỏ vậy nhỏ?
📚làm sao để biết được thai bị nhỏ?
📚Mẹ phải làm gì để giảm nguy cơ thai nhi phát triển không tốt?
📚Mẹ phải theo dõi tích cực như thế nào nếu thai bị nhỏ?

Phòng khám Ngọc Châu xin cùng mẹ giải đáp phần nào những thắc mắc này nhé!

THAI NHỎ LÀ GÌ?

Thai nhỏ là khi cân nặng ước tính trên siêu âm nằm trong 10% bé có cân nặng thấp nhất. Điều này có nghĩa là con của bạn nằm trong số 10 bé nhỏ nhất trong mỗi 100 bé.

Cân nặng con bạn bị ảnh hưởng bởi:

  • Cân nặng và chiều cao của bạn – phụ nữ cao hơn, nặng hơn có xu hướng có con nặng hơn.
  • Liệu bạn hay chồng bạn có từng là một bé nhỏ, nhẹ cân.
  • Chủng tộc của bạn – chẳng hạn Nam Á xu hướng có con nhỏ hơn.
  • Số lượng con bạn đã có – bé có xu hướng trở nên nặng hơn sau mỗi lần mang thai
  • Con bạn là bé trai hay bé gái – bé trai có xu hướng nặng hơn.

NGUYÊN NHÂN GÌ LÀM THAI BẠN NHỎ?

Con bạn có thể nhỏ do các yếu tố trên, trong trường hợp này, con bạn có khả năng khỏe mạnh.
Tuy nhiên, đôi khi bé nhỏ bởi vì chúng phát triển không tốt như mong đợi. Điều này gọi là “ giới hạn phát triển” hay “chậm tăng trưởng”. Nguyên nhân của “ giới hạn phát triển” gồm:
🍀Nhau không làm việc hiệu quả – điều này có thể do các bệnh lý như tăng huyết áp hoặc tiền sản giật.
🍀Nhiễm trùng trong thai kỳ làm ảnh hưởng đến thai.
🍀Thai có vấn đề về phát triển hoặc vấn đề về gen.

ĐIỀU GÌ LÀM TĂNG NGUY CƠ THAI PHÁT TRIỂN CHẬM?

🍀Các thói quen như: hút thuốc lá, sử dụng cocaine, hoạt động quá mức, hoặc ăn uống không lành mạnh làm tăng nguy cơ thai giới hạn phát triển
🍀Bạn có khả năng cao có thai giới hạn phát triển nếu bạn trên 40 tuổi, hoặc có tăng huyết áp, các bệnh lý thận hoặc biến chứng đái tháo đường. Tiền căn sẩy thai muộn trong thai kỳ hoặc tiền căn có thai nhỏ làm tăng nguy cơ của bạn.
🍀Xuất huyết âm đạo nặng, đặc biệt trong nửa sau của thai kỳ (sau 20 tuần), có thể cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của con bạn.

TÔI CÓ THỂ LÀM GÌ ĐỂ GIẢM ĐƯỢC NGUY CƠ?

Một số nguy cơ trên có thể thay đổi:
🍀Giảm hoặc ngưng hút thuốc lá.
🍀Ăn uống lành mạnh và bổ sung vitamin, bạn có thể tham khảo bài viết cách ăn uống lành mạnh và bổ sung vitamin trong thai kỳ của phòng khám Ngọc Châu.
🍀Nếu bạn có nguy cơ cao tiền sản giật, bạn nên uống aspirin liều thấp 75 mg mỗi ngày từ lúc 12 tuần cho đến khi sanh (khi có chỉ định của bác sĩ).

THAI NHỎ THÌ NGUY HIỂM NHƯ THẾ NÀO?

🍀Nếu con bạn nhỏ nhưng khỏe mạnh, con bạn sẽ không tăng nguy cơ biến chứng sơ sinh.
🍀Nếu con bạn tăng trưởng giới hạn, con bạn sẽ tăng nguy cơ thai lưu ( bé mất trong tử cung), bệnh lý nghiêm trọng, và tử vong ngay sau khi sinh. Sự tăng trưởng giới hạn của bé càng sớm trong thai kỳ và càng nặng thì kết cục thai nhi càng xấu. Sự tăng trưởng giới hạn xảy ra muộn hơn trong thai kỳ thì kết cục thai nhi tốt hơn.
🍀Hầu hết các thai nhi bị nhiễm trùng, bị vấn đề về gen hoặc vấn đề về sự phát triển thì sẽ giới hạn tăng trưởng nặng nề và thường được phát hiện sớm.
🍀Khi bác sĩ phát hiện con bạn nhỏ, bạn sẽ được bác sĩ theo dõi sát về sự tăng trưởng và sức khỏe của thai. Bạn có thể được khuyên nên sinh sớm hơn để chắc chắn con bạn được sinh ra khỏe mạnh.

LÀM THẾ NÀO ĐỂ BIẾT EM BÉ BỊ NHỎ?

Bác sĩ sẽ đánh giá nguy cơ bạn có thể mang thai nhẹ cân trong giai đoạn sớm của thai kỳ.
🍀Nếu bạn có nguy cơ thấp mang thai nhẹ cân, bác sĩ sẽ vẫn theo dõi sự phát triển của bé (từ 24 tuần trở lên, bề cao tử cung và siêu âm sẽ được ghi nhận lại trên biểu đồ tăng trưởng để đảm bảo rằng con bạn đang phát triển bình thường)
🍀Nếu bạn có nguy cơ cao mang thai nhẹ cân, bạn nên siêu âm thường xuyên hơn từ 26-28 tuần trở đi.
🍀Siêu âm mạch máu đến bánh nhau (siêu âm Doppler động mạch tử cung lúc 20-24 tuần, phụ thuộc vào kết quả mà bạn sẽ được khuyên khảo sát thêm nếu cần).

THỜI ĐIỂM TỐT NHẤT CHO CON TÔI ĐƯỢC SINH RA LÀ KHI NÀO?

🍀Điều này phụ thuộc vào mức độ ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của thai và siêu âm Doppler.
🍀Quá trình khảo sát sẽ giúp bác sĩ quyết định liệu có tốt hơn cho bạn và con bạn nếu sinh ra sớm hơn so với tiếp tục dưỡng thai thêm. Nếu con bạn đang phát triển và siêu âm Doppler bình thường, tốt nhất là chờ đợi cho đến khi con bạn ít nhất được 37 tuần.

TÔI CÓ NÊN ĐIỀU TRỊ GÌ KHÁC NỮA KHÔNG?

Tùy thuộc vào thời điểm sinh và cách sinh của bạn (sinh thường hay mổ lấy thai) bạn có thể được cho corticoid (thuốc hỗ trợ phổi thai nhi) trong khoảng thời gian 24-48 giờ trước đó.

TÔI NÊN SINH THƯỜNG HAY MỔ LẤY THAI?

🍀Nếu không có biến chứng nào khác, bạn có thể sinh thường (sinh ngả âm đạo). Con bạn sẽ được theo dõi bằng đo tim thai trong chuyển dạ. Tuy nhiên, nếu Doppler động mạch rốn bất thường, bác sĩ có thể khuyên bạn mổ lấy thai.
🍀Nếu bạn đang chuyển dạ, nếu bạn bị ối vỡ hoặc nếu bạn ra máu âm đạo trước ngày bác sĩ hẹn sinh cho bạn, bạn nên nhập viện ngay.

TÔI NÊN SINH CON Ở ĐÂU?

Bạn nên sinh con ở nơi có đơn vị chăm sóc sơ sinh tốt. Con bạn có cần bác sĩ chăm sóc sơ sinh tùy thuộc vào tuổi thai và sinh thường hay sinh mổ. Trong trường hợp này, bạn sẽ được bác sĩ tư vấn kĩ và được tham quan đơn vị chăm sóc sơ sinh.

Phòng khám Ngọc Châu chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông!
Thân chào!

Để biết thông tin, tư vấn bạn có thể:


Cùng chuyên mục

Có liên quan khác

+


Lịch khám

Hotline
0919.272.911