Khi nào phải tới bệnh viện?

Bs Phan Diễm Đoan Ngọc – BV Từ Dũ

Khi thai đã lớn, gần đến ngày khai hoa nở nhụy thì đây có lẽ là câu hỏi mà mình hay nhận được từ các mẹ nhất. Thường là: giờ em đau bụng thế này nè thì em có nên vô BV liền không hay chờ thêm xíu nữa!?Hay em có ra tí nhớt hồng rồi giờ sao bác sĩ ơi…!?  Đối với những bạn mang thai lần đầu thì có lẽ đây là khoảng thời gian hồi hộp nhất. Ngày nào cũng mong ngóng không biết khi nào thì em bé chịu chui ra! Đến càng gần ngày dự sinh thì càng lo! Cho nên mình viết bài này hy vọng giải đáp được phần nào thắc mắc của các bà mẹ ông bố tương lai!

Có rất nhiều dấu hiệu báo động thật cần đến bệnh viện liền, một số chỉ là báo động giả, không cần phải quá lo lắng! Thật khó để phân biệt, và cũng không thể nào có một công thức chung cho tất cả mọi người! Có nhiều yếu tố cần phải xem xét như thai kỳ của bạn có nguy cơ gì hay không, thai bạn là con so hay con rạ (con càng rạ thì sinh càng nhanh), hay từ nhà bạn đến bệnh viện là bao xa, ở nhà bạn có ai chăm sóc hay không…?

Một số dấu hiệu bạn cần đến bệnh viện ngay:

  • Khi bạn vỡ ối. Đa phần khi vỡ ối, nước ối chảy ra nhiều ướt quần trong quần ngoài , chảy re re xuống chân bạn sẽ rất dễ nhận biết. Tuy nhiên cũng có khi nước ối chỉ chảy ra rỉ rỉ và rất khó phân biệt với dịch âm đạo hay nước tiểu (đối với những mẹ hay bị són tiểu ra quần). Nếu không chắc chắn và lo lắng thì bạn nên đi khám bác sĩ ngay nhé. Một điều quan trọng nữa là bạn nên để ý màu sắc của nước ối để báo cho bác sĩ. Nếu nước ối màu vàng, xanh, đỏ hay nâu đỏ thì là những dấu hiệu nguy hiểm cần lưu ý đặc biệt. Và cũng đừng quên đóng băng vệ sinh trước khi đi bạn nhé, vừa cho sạch vừa giúp bác sĩ ghi nhận màu sắc của nước ối bạn nhé!
  • Khi bạn ra huyết âm đạo. Đây là tình trạng bạn nên đến bệnh viện ngay. Có khi ra huyết ít do chuyển dạ nhưng cũng có khi do một số tình trạng khá nguy hiểm trong thai kỳ như nhau tiền đạo, nhau bong non… Bạn cũng nên phân biệt với tình trạng ra nhớt hồng âm đạo. Đây là dấu hiệu cổ tử cung của bạn bắt đầu mở. Nếu không kèm dấu hiệu gì khác và bạn cũng không đau bụng nhiều thì bạn không cần phải quá lo lắng vì cổ tử cung của bạn chỉ mới mở mà thôi!
  • Đau bụng, tử cung gò cứng. Thật khó để có thể xác định đau như thế nào thì cần nhập viện, đau như thế nào thì ở nhà. Việc đầu tiên cần làm là bạn nên phân biệt thế nào là cơn gò chuyển dạ thật, thế nào là giả! Cơn gò chuyển dạ giả thường hay gặp vào những tháng cuối của thai kỳ. Đặc điểm là không lặp lại nhiều lần, khoảng cách giữa các cơn khoảng một đến vài giờ, ít khi nào gây đau và không dẫn đến chuyển dạ. Bạn cứ tưởng tượng kiểu giống như là tử cung đang chuẩn bị tập dượt chờ đến ngày ra trận, nhưng mà chưa có oánh thiệt! Còn cơn gò chuyển dạ thật thì những cơn gò thường xuyên, lặp lại nhiều lần và tăng dần về cường độ. Những cơn gò này sẽ làm cổ tử cung của bạn ngắn đi và mở ra từ từ. Đến khi cổ tử cung mở trọn thì em bé sẽ chui ra ngoài.

Nếu bạn đang mang con so, thai kỳ không có yếu tố nguy cơ gì, nhà không xa bệnh viện và không kèm dấu hiệu bất thường gì khác thì bạn hoàn toàn có thể chờ đợi thêm tại nhà nếu như cơn gò còn thưa (ví dụ 10 phút khoảng 1-2 cơn) và không đau nhiều. Lý do là giai đoạn từ khi bắt đầu có cơn gò cho đến khi bạn sinh đối với người con so có thể kéo dài từ  1 đến vài ngày. Việc đến bệnh viện quá sớm có thể làm cho bạn không được thoải mái, mệt mỏi nhiều, cộng thêm môi trường bệnh viện có thể làm cho bạn lo lắng xì trét. Vậy chờ đến khi nào?

– Khi bạn không thấy thoải mái nữa, bạn cần giảm đau, bạn cảm thấy mệt mỏi

– Khi cơn gò khoảng 3-4 cơn/ 10 phút.

  • Khi bạn có dấu hiệu tiền sản giật như: đau đầu, nhìn mờ, hoa mắt, đau vùng dưới sườn phải… Tiền sản giật là một dạng tăng huyết áp trong thai kỳ, có thể dẫn đến co giật (sản giật), cần được cấp cứu càng sớm càng tốt!
  • Khi thai cử động yếu , ít. Bạn cần học cách theo dõi thai cử động (thai máy) bắt đầu từ tuần 28 của thai kỳ! Cách đếm cử động thai như thế nào mình đã có viết rất đầy đủ chi tiết trong bài “Đếm của động thai” trên fanpage! Mời bạn đọc tìm hiểu thêm! Cách thường nhất hay áp dụng ở BV Từ Dũ là đếm cử động thai 1h sau ăn x 3 lần/ ngày, tối thiểu là 1 lần. Nếu thai cử động trên 4 cái/1 giờ là bình thường. Nếu dưới 4 cái, mẹ đếm thêm 1 giờ, nếu vẫn không đủ 4 cái / 1 giờ thì mẹ nên đi khám lại.
  • Bất cứ khi nào bạn cảm thấy bất ổn và lo lắng. Đừng ngần ngại gọi điện cho bác sĩ hay nữ hộ sinh để xin tư vấn! Dù sao thì đến bệnh viện hay phòng khám để bác sĩ/nữ hộ sinh khám lại vẫn là lựa chọn an toàn nhất! Nhiều khi ngay cả khám xong rồi mình cũng rất đắn đo không biết nên cho thai phụ này về nhà nghỉ ngơi theo dõi thêm hay là nhập viện. Xong cũng phải gọi chị đó lại, hỏi han nhà xa thế nào, giờ đang ở đâu, đi lại làm sao, có lo lắng nhiều không, có muốn nằm viện hay nằm nhà…Xong rồi chờ chị đó ra hỏi thêm chồng, bà nội, bà ngoại một hồi mới quyết định được!
  • Một số tình trạng bạn không nên chờ ở nhà:
    • Thai dưới 37 tuần. Bạn nên khám ngay để bác sĩ/ nữ hộ sinh xem bạn có dấu hiệu sinh non cần điều trị hay không .
    • Nhà bạn quá xa bệnh viện.
    • Bác sĩ yêu cầu bạn đến bệnh viện ngay khi bắt đầu có dấu chuyển dạ, ví dụ song thai..
    • Bạn đang chờ mổ lấy thai chủ động theo chỉ định của bác sĩ, ví dụ: ngôi mông, nhau tiền đạo, vết mổ cũ lấy thai 2 lần…
    • Bạn có vết mổ cũ mổ lấy thai. Nếu chỉ mới 1 lần thì bạn vẫn có khả năng là sinh thường được (tất nhiên phải xem xét nhiều yếu tố và được bác sĩ chỉ định). Tuy nhiên tốt nhất là bạn nên khám ngay nếu có dấu hiệu chuyển dạ bạn nhé!

Hy vọng sau bài này bạn đã có thêm được chút ít kiến thức để chuẩn bị đón em bé! Mình cũng xin nhắc lại lần nữa là nếu bạn không chắc chắn và lo lắng vì điều gì, đừng ngần ngại hỏi ý kiến của bác sĩ hay nữ hộ sinh! Công việc của chúng tôi là giúp đỡ và đồng hành cùng bạn! Chúc bạn mẹ tròn con vuông và đừng lo lắng, bạn không “vượt cạn” một mình đâu bạn nhé!

Để biết thông tin, tư vấn bạn có thể:


Cùng chuyên mục

Có liên quan khác

+


Lịch khám

Hotline
0919.272.911