TÁO BÓN VÀ BỆNH TRĨ

BS PHAN DIỄM ĐOAN NGỌC

Hễ có bạn nào đến khám mà than “em bón quá bác sĩ ơi” là mình đồng cảm ghê gớm! Đơn giản là vì lúc bầu mình cũng rất hay bón! Tưởng như bệnh đơn giản nhưng bón làm mình rất khó chịu, mỗi khi đi tiêu là một lần “đau đớn”, có khi còn tiêu ra máu! Thực tế thì táo bón là một bệnh lý rất thường gặp, thống kê cho thấy gần một nửa những bà bầu sẽ bị táo bón ở một thời điểm nào đó trong thai kỳ! Bài này sẽ chỉ cho bạn một số mẹo hay để giảm trình trạng này!

VÌ SAO MANG THAI LẠI HAY BỊ BÓN?

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến táo bón:

  • Một số nội tiết tăng cao trong giai đoạn mang thai sẽ khiến ruột của bạn giảm co bóp, dẫn đến tăng thời gian lưu của phân trong trực tràng, phân bị hấp thụ nước và sẽ khó ra hơn.
  • Trong những tháng đầu của thai kỳ, nếu bạn bị nghén nhiều, mất nước cũng là nguyên nhân dễ gây táo bón.
  • Tử cung ngày càng to lên cũng gây chèn ép lên ruột, làm thức ăn cũng di chuyển chậm hơn.
  • Thói quen lười vận động, nhất là các tháng cuối thai kỳ cũng như chế độ ăn nghèo chất xơ, ít uống nước cũng dễ dẫn đến táo bón
  • Một số bệnh lý trong thai kỳ làm tăng nguyên nhân táo bón như đái tháo đường, nhược giáp
  • Một số thuốc bạn uống bổ sung trong thai kỳ như sắt hoặc canxi cũng làm bạn rất dễ bị bón

LÀM THẾ NÀO ĐỂ GIẢM TÁO BÓN?

  • Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ như rau xanh, trái cây và uống 2-3 lít nước một ngày giúp phân bạn mềm hơn và dễ đi hơn.
  • Tập thể dục thường xuyên giúp kích thích và tăng hoạt động của đường tiêu hóa. Bạn nên tập ít nhất 3 lần một tuần, mỗi lần 20-30 phút, có thể đi bộ, bơi lội hoặc tập yoga…
  • Bổ sung lợi khuẩn bằng sữa chua hoặc chế phẩm chứa lợi khuẩn giúp tăng cường sức đề kháng của vi khuẩn đường ruột và tăng quá trình lên men ở ruột già
  • Chia nhỏ cử ăn. Thay vì ăn ngày 3-4 cữ bạn có thể chia thành 5-6 cữ. Điều này giúp đường tiêu hóa của bạn không bị quá tải, giúp tăng khả năng tiêu thụ thức ăn
  • Bạn có biết tư thế đúng khi đi vệ sinh? Nhiều bạn sẽ nghĩ tư thế đúng là tư thế ngồi bệt trong bồn toilet. Tuy nhiên không phải như vậy bạn ạ! Tư thế ngồi bệt chỉ là nhìn “thanh tao” thôi! Tư thế ngồi chồm hổm như “ở quê” mới là tư thế tốt cho việc đi vệ sinh! Tư thế này giúp góc trực tràng – hậu môn thẳng ra, giúp tối ưu hóa áp lực lên vùng hậu môn và phân dễ đi ra ngoài hơn.Vậy nếu bây giờ nhà bạn không có bồn cầu chồm hổm thì làm thế nào? Mình không khuyến khích các bạn ngồi chồm hổm lên bồn cầu đâu nhé! Cách đơn giản là bạn hãy đặt một chiếc ghế bên dưới để nâng hai chân và hơi chồm người về phía trước. Bạn cũng có thể mua đế để chân thiết kế chuyên dụng cho bồn toilet có bán rất nhiều ở các cửa hàng vật liệu xây dựng hay trên các trang online! Bạn thử xem, hiệu quả bất ngờ nhé!

  • Trao đổi với bác sĩ về tình trạng bón và các loại thuốc bổ sung sắt, canxi bạn đang sử dụng. Bác sĩ có thể đổi cho bạn sang dạng thuốc khác ít tác dụng phụ gây táo bón hơn. Chia thuốc thành nhiều cữ cũng giúp giảm tác dụng phụ táo bón của thuốc.
  • Nếu các phương án trên vẫn không cải thiện được táo bón thì bạn có thể sử dụng thêm một số loại thuốc làm mềm phân. Tuy nhiên bạn nên trao đổi thêm với bác sĩ, tránh tự ý mua thuốc sử dụng vì các loại thuốc trị táo bón có thể gây tiêu chảy, giảm hấp thụ dưỡng chất, mất nước, rối loạn điện giải, co thắt tử cung.

TÁO BÓN LÂU NGÀY CÓ THỂ DẪN ĐẾN TRĨ KHÔNG?

Hoàn toàn có thể. Việc tăng áp lực ổ bụng thường xuyên có thể dẫn tới giãn các tĩnh mạch vùng hậu môn và dẫn đến trĩ. Ngoài yếu tố táo bón thì một số yếu tố trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ bạn bị trĩ như: tử cung to làm tăng chèn ép mạch máu về tim, sự thay đổi về nội tiết gây giãn các mạch máu. Khi bạn sinh xong em bé, những yếu tố này sẽ mất đi nên đa phần trĩ cũng sẽ cải thiện mà không cần điều trị chuyên biệt. Nếu bị táo bón, bạn hãy thực hiện những lời khuyên ở trên, trĩ cũng sẽ cải thiện theo rất nhiều. Nếu búi trĩ làm bạn khó chịu, hãy thử những cách sau:

  • Ngâm vùng hậu môn trong nước ấm một vài lần trong ngày. Bạn có thể ra cửa hàng vật tư y tế hỏi mua bồn ngâm hậu môn đặt vừa trên bồn toilet nhà bạn (tiếng anh gọi là sitz bath). Bồn ngâm này cũng có bán online trên các trang lớn như tiki, lazada, shopee.

  • Nếu giấy vệ sinh làm bạn khó chịu thì có thể thay bằng khăn ướt, bông gòn loại cắt miếng sẵn dùng để vệ sinh em bé
  • Chườm lạnh cũng có thể làm giảm sưng nề búi trĩ, giảm đau
  • Thường xuyên luyện tập bài tập Kegel giúp tăng cường sức cơ quanh vùng sinh dục và hậu môn cũng có thể giúp giảm triệu chứng của trĩ. Chi tiết về tập Kegel mời bạn tham khảo bài Tập thể dục trong thai kỳ
  • Một vài loại thuốc bôi và thuốc đạn đặt âm đạo có thể giúp giảm sưng đau. Bạn có thể tham khảo thêm ý kiến bác sĩ nhé
  • Một số dấu hiệu nặng: búi trĩ cứng, sưng đau nhiều, không bớt, chảy máu. Bạn cần khám để được Bác sĩ tư vấn và điều trị thích hợp nhé!

Chúc bạn luôn khỏe mạnh!

Để biết thông tin, tư vấn bạn có thể:


Cùng chuyên mục

Có liên quan khác

+


Lịch khám

Hotline
0919.272.911