VIÊM ÂM ĐẠO

BS. Phạm Thanh Hoàng

VIÊM ÂM ĐẠO LÀ GÌ?

CÓ ĐIỀU TRỊ ĐỂ KHÔNG BỊ VIÊM LẠI ĐƯỢC KHÔNG?

Nhiều bệnh nhân đến khám vì viêm âm đạo thường xuyên và lại thắc mắc là dù mình đã giữ vệ sinh rất kỹ, rửa nước rửa phụ khoa rất kỹ nhưng sao cứ bị tới bị lui hoài. Dưới đây là một số thông tin giúp bạn hiểu rõ hơn về viêm âm đạo và để giải đáp thắc mắc của các bạn.

– Huyết trắng sinh lý và huyết trắng bệnh lý
Phụ nữ trong lứa tuổi sanh đẻ (từ sau dậy thì đến mãn kinh) thường có huyết trắng. Không phải huyết trắng nào cũng là bệnh lý. Huyết trắng bình thường có tính chất trong, dai, không mùi, không gây ngứa thường ra nhiều hơn lúc giữa chu kỳ và gần ra kinh. Huyết trắng bất thường là khi có mùi hôi, thay đổi tính chất đục, đặc, có bọt, ngã màu vàng, xanh, ngứa, hay có kèm theo khó chịu ở đường tiểu. Đó cũng là lúc bạn cần đi khám để điều trị

– Điều kiện thuận lợi gây viêm âm đạo
Trong âm đạo luôn có các vi sinh vật có lợi và có hại, chúng tự cân bằng và không gây triệu chứng. Khi có điều kiện thuận lợi làm mất cân bằng môi trường âm đạo thì sẽ có các triệu chứng biểu hiện qua huyết trắng bất thường như mô tả ở trên. Các nguyên nhân gây mất cân bằng môi trường âm đạo như: sử dụng kháng sinh, thay đổi hormone như có thai hoặc dùng nội tiết, thụt rửa âm đạo, quan hệ, điều trị corticoid, tiểu đường, AIDS,…

– Điều trị và phòng ngừa
Trong âm đạo thường có nhiều vi khuẩn, vi nấm. Khi nào gặp điều kiện thuận lợi thì sẽ gây bệnh. Vậy bạn muốn điều trị dứt điểm không bao giờ bị nữa là điều không thể. Việc giữ vệ sinh đúng cách sẽ làm hạn chế bị tái nhiễm.
Nếu đang bị viêm âm đạo, bạn nên đi khám để BS xác định đúng tác nhân gây bệnh và dùng thuốc đúng tác nhân đó, đủ liều lượng. Không nên tự mua thuốc đặt và nước rửa vệ sinh vì có thể làm bệnh nặng hơn khi bạn dùng thuốc không đúng tác nhân gây bệnh.
Những lúc bình thường (không bị viêm nhiễm) bạn không cần rửa nước rửa phụ khoa, chỉ cần rửa nước sạch và rửa bên ngoài là đủ, không rửa bên trong âm đạo. Không nên ngâm.
Môi trường âm đạo thường có tính acid nhẹ để kiềm hãm các vi sinh vật gây bệnh và thuận lợi cho các vi khuẩn có lợi. Nếu pH âm đạo tăng (môi trường kiềm hơn) sẽ kiềm hãm vi nấm phát triển nhưng lại thuận lợi cho vi trùng gây bệnh, ngược lại khi pH âm đạo giảm (môi trường acid hơn) sẽ kiềm hãm vi khuẩn nhưng lại thuận lợi cho nấm. Các nước rửa phụ khoa thường có độ pH khác nhau do đó việc lạm dụng nó sẽ dẫn đến thay đổi pH âm đạo lúc đó bạn sẽ dể bị nhiễm nấm hoặc vi khuẩn. Khi bị viêm nhiễm nếu bạn dùng sai nước rửa: ví dụ bạn đang nhiễm nấm và rửa các loại nước rửa có pH thấp hơn pH âm đạo tức là đưa môi trường âm đạo acid hơn lúc đó bệnh của bạn càng nặng hơn, hoặc ngược lại

Hình minh họa được lấy từ internet

Để biết thông tin, tư vấn bạn có thể:


Cùng chuyên mục

Có liên quan khác

+


Lịch khám

Hotline
0919.272.911