LỢI ÍCH CỦA DẦU CÁ OMEGA-3 TRONG THAI KỲ

THS.BS.Phan Diễm Đoan Ngọc

Trong thai kỳ, ngoài việc bổ sung sắt và canxi thường quy thì Omega-3 là thứ bạn nên lưu tâm tiếp theo. Đơn giản là vì Omega-3 nói nôm na là có thể giúp con bạn thông minh hơn ngay từ trong bụng mẹ đấy! Nghe là thấy hấp dẫn rồi phải không bạn, chúng ta cùng tìm hiểu nhé!

OMEGA-3 LÀ GÌ?

Omega-3 là một nhóm các axit béo, rất cần thiết cho sức khoẻ và sự phát triển của cơ thể. Có hai loại omega-3 có ích nhất là EPA và DHA.
– EPA hỗ trợ tim, hệ thống miễn dịch và phản ứng viêm.
– DHA hỗ trợ não, mắt, và hệ thống thần kinh trung ương, do đó rất cần thiết cho sự phát triển thần kinh và thị giác sớm của em bé.

Các nghiên cứu đã khẳng định rằng việc bổ sung EPA và DHA vào chế độ ăn uống của phụ nữ mang thai có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển trí tuệ và nhận thức của em bé. Ngoài ra Omega-3 còn làm giảm nguy cơ dị ứng ở trẻ sơ sinh.
Omega-3 không chỉ có tác động tích cực đối với em bé mà còn cả bản thân thai kỳ. Sự gia tăng lượng EPA và DHA đã được chứng minh là ngăn ngừa được tình trạng sinh non, tiền sản giật và có thể tăng cân nặng em bé khi sinh. Sự thiếu hụt Omega-3 cũng làm tăng nguy cơ trầm cảm của người mẹ. Điều này có thể giải thích tại sao rối loạn trầm cảm sau khi sinh có thể trở nên nặng hơn và bắt đầu sớm hơn với những lần mang thai về sau.

NHỮNG LOẠI THỰC PHẨM NÀO CHỨA DẦU CÁ OMEGA-3?

Cơ thể không tự sản xuất ra được omega – 3 và phải hấp thu từ nguồn thức ăn bên ngoài. Các nguồn tốt nhất của EPA và DHA là cá nước lạnh như cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá cơm và cá trích. Chú ý là để giữ được các chất này thì cá không được chiên mà chế biến bằng cách luộc, hấp hoặc nướng.
Nhiều người e ngại các loại cá này có thể tích tụ chất thủy ngân và các chất độc khác ảnh hưởng lên thai nhi. Do đó sử dụng các sản phẩm Omega-3 từ dầu cá đã được chế biến sẵn là phương pháp tốt nhất để tiêu thụ EPA và DHA.
Nhiều người nghĩ rằng hạt lanh (flaxseed) có chứa omega-3. Nhưng hạt lanh có chứa omega-3 ngắn hơn là ALA, khác với EPA và DHA. Mặc dù đã từng có ý nghĩ rằng cơ thể con người có thể biến đổi ALA thành EPA và DHA, nghiên cứu hiện tại cho thấy sự chuyển đổi như vậy hiếm khi xảy ra và không hiệu quả. Do đó bạn nên ưu tiên sử dụng dầu cá hơn dầu thực vật để hấp thu tốt nhất Omega-3 nhé!

TÔI NÊN DÙNG DẦU CÁ NHƯ THẾ NÀO?

Khi lựa chọn dầu cá bạn nên chọn dầu cá được sản xuất bởi các nhà sản xuất lớn, có uy tín để đảm bảo chất lượng của dầu cá, không bị lẫn các tạp chất khác, nhất là thủy ngân trong cá. Có một số đặc điểm bạn có thể nhận diện được như:
– Mùi – dầu cá chỉ có mùi khó chịu khi dầu đã bắt đầu ôi thiu. Dầu cá chất lượng cao sẽ không mùi cá.
– Hương vị – Dầu cá tươi và chất lượng cao sẽ không có vị cá. Tránh dầu cá có mùi vị mạnh, nhân tạo vì có thể người sản xuất cố tình thêm vào để át mùi cá.

DÙNG BAO NHIÊU LÀ ĐỦ?

Liều dùng mỗi ngày theo khuyến cáo của FAO (Food and Agriculture Organization of the United Nations) năm 2010:
• 0-6 tháng: DHA: 0.1-.018% năng lượng
• 6-24 tháng: DHA: 10-12 mg/kg cân nặng cơ thể
• 2-4 tuổi: EPA + DHA: 100-150 mg
• 4-6 tuổi: EPA + DHA: 150-200 mg
• 6-10 tuổi: EPA + DHA: 200-250 mg
• Phụ nữ mang thai và cho con bú: EPA + DHA: 0.3 g/ngày (tối thiểu 0.2 g/ngày)

Khi dùng đúng liều thì dầu cá thường an toàn, tuy nhiên nó cũng có thể có một số tác dụng phụ như: hơi thở hôi, miệng có vị tanh của cá, buồn nôn, đầy bụng, khó tiêu, phân lỏng, nổi ban, giảm nhẹ huyết áp…Dùng liều cao có thể tăng nguy cơ chảy máy và đột quỵ, do đó nên cẩn trọng ở những người đang dùng thuốc chống đông, huyết áp thấp.

NGUỒN:
1. Americanpregnancy, Omega-3 Fish Oil And Pregnancy
2. Food and Agriculture Organization of the United Nations (2010). Fats and fatty acids in human nutrition: Report of an expert consultation. FAO Foodand Nutrition Paper 91. Rome

Để biết thông tin, tư vấn bạn có thể:


Cùng chuyên mục

Có liên quan khác

+


Lịch khám

Hotline
0919.272.911