Thai chậm tăng trưởng trong tử cung

Bs Phan Diễm Đoan Ngọc

Một ngày bạn đi khám thai và bác sĩ thông báo cho bạn em bé của bạn có thể rất nhẹ ký, nhỏ hơn những thai cùng tuổi thai rất nhiều kèm theo một chẩn đoán “ thai chậm tăng trưởng” hay “thai suy dinh dưỡng” hay “thai nhỏ”. Có thể bạn sẽ hoang mang rất nhiều! Vậy có nghĩa là em bé của tôi không khoẻ ư? Nó bị “suy dinh dưỡng” là do tôi ăn uống không đầy đủ? Tôi phải làm gì để giúp bé tăng cân nhiều hơn!? Mời bạn tham khảo bài viết sau đây để hiểu thêm về thai chậm tăng trưởng bạn nhé!

Thai chậm tăng trưởng được chẩn đoán như thế nào?

Thai chậm tăng trưởng trong tử cung (fetal growth restriction – FGR) là tình trạng mà sự phát triển của thai bị chậm hơn so mức mà nó kỳ vọng đạt được.

Việc chẩn đoán hầu như chủ yếu dựa vào siêu âm đánh giá tăng trưởng thai. Có một khái niệm mà khi khám thai bạn hay thấy bác sĩ ghi là  BÁCH PHÂN VỊ. Đây là cách đơn giản để đánh giá các chỉ số thai so với dân số chung. Ví dụ như con bạn có cân nặng ở bách phân vị thứ 10 so với tuổi thai. Nói nôm na cho dễ hình dung: có 100 em bé cùng tuổi thai với con bạn thì con bạn có cân nặng đứng vị trí thứ 10, thua 90 bé khác. Thông thường em bé có cân nặng dưới bách phân vị thứ 10 là nhỏ. Tuy nhiên làm thế nào để phân biệt được một em bé bị suy dinh dưỡng, ốm o gầy mòn với một em bé tuy nhỏ nhưng là lại mạnh khoẻ, nhỏ do cơ địa của nó là một điều không dễ dàng và chỉ dựa vào cân nặng thôi là chưa đủ. Người ta còn dựa vào nhiều chỉ số khác để đánh giá xem em bé của bạn có thực sự bị “chậm tăng trưởng” hay không ví dụ như:

  • Nước ối (bé “khát” thường tiểu ít gây nước ối ít),
  • Chu vi bụng (bé nào bị “đói” thường bụng “teo”),
  • Chỉ số doppler động mạch rốn (động mạch trong dây rốn, mang máu từ thai về bánh nhau), động mạch não giữa (động mạch trong não em bé).
  • Siêu âm chuyên sâu đánh giá chi tiết xem thai có bị dị tật gì hay không

Mình sẽ không đi vào chi tiết vì mình không muốn làm bạn hoang mang. Ngay cả bác sĩ nhiều khi cũng hoang mang lắm, đau cái đầu vì không biết em bé này có thật sự chậm tăng trưởng hay không hay chỉ “mi nhon” mà thôi. Có khi phải đo đi đo lại, chờ thêm 1 tuần, 2 tuần, 1 tháng xem tình hình như thế nào, em bé có lên ký hay không, nó cử động ra sao, tim thai như thế nào … rồi mới quyết định được.

Bác sĩ cũng có thể làm thêm một số những xét nghiệm khác như:

  • Xét nghiệm máu mẹ xem mẹ có bị nhiễm những vi trùng thường gây ảnh hưởng lên thai không
  • Chọc ối để xem thai có bị nhiễm trùng hay bất thường di truyền nào không và đôi khi để đánh giá độ trưởng thành của phổi thai nhi
  • Theo dõi nhịp tim thai để đánh giá sức khoẻ thai

Nguyên nhân nào gây thai chậm tăng trưởng?

“Có phải em ăn ít quá làm con em bị suy dinh dưỡng không bác sĩ” là câu hỏi mà các mẹ thường hỏi mình nhất khi biết thai nhỏ! Mặc dù chế độ dinh dưỡng có thể ảnh hưởng phần nào, tuy nhiên ăn để đến mức con bị suy dinh dưỡng thì hiếm gặp lắm. Còn rất nhiều nguyên nhân khác có thể làm em bé bạn bị nhỏ và có thể nguy hiểm hơn nhiều.

Nguyên nhân do mẹ có thể do

  • Mẹ mắc một số bệnh lý nội khoa như tăng huyết áp, đái tháo đường, thiếu máu, suy thận mạn.
  • Mẹ quá gầy, ăn uống thiếu thốn hoặc hút thuốc lá, nghiện rượu bia hay ma tuý.

Một số yếu tố nguy cơ từ con

  • Đa thai: song thai hay tam thai.
  • Nhiễm trùng bào thai: mẹ nhiễm có thể lây sang con gây nhiễm trùng bào thai như: rubella, toxoplasma, giang mai, cytomegalovirus.
  • Dị tật thai, ví dụ dị tật tim.
  • Bất thường về gen hay nhiễm sắc thể.

Một số trường hợp có nhiều nguyên nhân nhưng cũng có khi không tìm được nguyên nhân cụ thể.

Điều này ảnh hưởng đến em bé của tôi như thế nào?

Nguy cơ lớn nhất mà các bác sĩ lo sợ là thai mất trong bụng mẹ! Tình trạng kiệt quệ nguồn dinh dưỡng nuôi thai có thể vượt quá khả năng chịu đựng của thai và do đó bác sĩ có thể cho bạn sinh sớm hơn dự định. Những em bé quá nhỏ hay quá non tháng có thể cần phải được bác sĩ nhi sơ sinh chăm sóc tích cực và có thể gặp nhiều vấn đề như:

  • Hạ đường huyết
  • Hạ thân nhiệt
  • Nhiễm trùng sơ sinh
  • Vàng da
  • Suy hô hấp
  • Tổn thương thần kinh

Ngoài ra nếu như em bé của bạn có thể có bất thường là nguyên nhân nền gây chậm tăng trưởng như dị tật tim, bất thường nhiễm sắc thể thì tiên lượng về sau phụ thuộc rất nhiều vào những bất thường này. Bác sĩ sẽ tư vấn thêm cho bạn tuỳ vào tình huống cụ thể.

Tôi có thể làm được gì để giúp cho con

  • Lưu giữ giấy tờ khám thai cẩn thận, nhất là các siêu âm trong 3 tháng đầu thai kỳ. Điều này sẽ giúp cho các bác sĩ tính được tuổi thai chính xác. Việc tính sai tuổi thai có thể làm cho con bạn bị so sánh với các bạn khác “già tháng” hơn nhiều dẫn tới việc bị cho là nhỏ một cách oan ức!
  • Tăng cường dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày của bạn, cố gắng dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn, ngủ đủ giấc, giảm bớt các stress trong công việc, cuộc sống. Bỏ ngay thuốc lá, rượu bia hay trường hợp hiếm là ma tuý nếu có lỡ sa vào bạn nhé.
  • Khám thai định kỳ đều đặn theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Lịch khám thai của bạn có thể dày hơn rất nhiều so với các mẹ bầu khác. Lý do vì bác sĩ muốn theo dõi sát sao sức khoẻ của con bạn để tìm nguyên nhân và hướng điều trị phù hợp
  • Theo dõi cử động thai tại nhà. Mặc dù phương pháp này còn hạn chế trong việc đánh giá sức khoẻ thai nhưng nó khá tiện lợi, dễ áp dụng và tăng cường nhận thức về sức khoẻ thai của mẹ. Thời điểm bắt đầu theo dõi là sau 28 tuần. Mời bạn tham khảo bài viết https://pkngocchau.com/dem-cu-dong-thai.html để biết thêm về phương pháp này nhé!

Bác sĩ sẽ điều trị gì cho tôi và con tôi:

Bác sĩ sẽ điều trị các bệnh lý nội khoa cho bạn nếu có và đồng thời theo dõi sát sao em bé để phát hiện khi nào tình trạng suy dinh dưỡng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ thai và cần chấm dứt thai kỳ! Nguyên tắc chọn thời điểm chấm dứt thai kỳ là khi mà nguy cơ em bé mất do chậm tăng trưởng lớn hơn nguy cơ em bé mất do non tháng. Trong đa số trường hợp bác sĩ có thể theo dõi cho bạn sinh thường. Tuy nhiên nếu sức khoẻ em bé yếu trầm trọng và có thể không chịu đựng được cuộc đẻ thì bạn có thể được mổ lấy thai.

Trên đây là một vài chia sẻ mong giải toả được phần nào những áp lực, hoang mang của bạn. Tuy nhiên những thông tin trên đây cũng chỉ mang tính chất tham khảo, bạn hãy hỏi thêm bác sĩ của mình để có hướng theo dõi phù hợp tuỳ từng tình huống cụ thể bạn nhé! Mến chúc thai kỳ của bạn suôn sẻ và bình yên!

Để biết thông tin, tư vấn bạn có thể:


Cùng chuyên mục

Có liên quan khác

+


Lịch khám

Hotline
0919.272.911