THỦY ĐẬU KHI MANG THAI

BỊ THỦY ĐẬU KHI ĐANG CÓ THAI – BẠN PHẢI LÀM GÌ?
BS. TRẦN THỊ MINH CHÂU.


Hôm qua, một chị bầu của phòng khám Ngọc Châu gọi điện thoại đến với giọng lo lắng hỏi: “Bác sĩ ơi, em bị lây trái rạ từ chị đồng nghiệp chung văn phòng. Mà em đang mang thai 16 tuần, em lo đến mất ăn mất ngủ, không biết có ảnh hưởng đến em bé không ạ?” Chắc hẳn nhiều bạn cũng thắc mắc câu hỏi tương tự. Đối với chị em phụ nữ, bị thủy đậu (hay trái rạ) chắc hẳn rất là đáng sợ, vừa khó chịu và ngứa ngáy vì mọc biết bao mụn nước trên người, vừa sợ sẹo xấu, sợ nhiễm trùng,… Khi đang mang thai mà bị thủy đậu lại càng đáng sợ hơn vì lo lắng không biết em bé có bị làm sao không. Hôm nay, phòng khám xin giải đáp những thắc mắc của các bạn về bệnh thủy đậu (hay dân gian còn gọi là trái rạ).

1. Nếu bạn đang mang thai mà tiếp xúc với người bị thủy đậu thì cần làm gì?

Nếu bạn đã từng bị thủy đậu lúc nhỏ thì bạn đã được miễn dịch với nó (nghĩa là được bảo vệ rồi) và không có gì phải lo lắng.
Nếu bạn chưa bao giờ bị thủy đậu, hoặc không chắc chắn, hãy gặp bác sĩ của bạn ngay khi có thể.

2. Nếu bạn đang mang thai mà tiếp xúc với người bị thủy đậu và trước đây bạn chưa từng bị thủy đậu thì bạn phải làm gì?

Bạn phải gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Bác sĩ có thể cho bạn tiêm GLOBULIN MIỄN DỊCH VARICELLA ZOSTER (VZIG). Đây là một loại thuốc giúp tăng cường hệ thống miễn dịch cho bạn đối với bệnh thủy đậu nhưng nó không ngăn ngừa được khi bệnh thủy đậu đã phát triển. VZIG có thể làm cho nhiễm trùng của bạn nhẹ hơn và không kéo dài. Có thể tiêm thuốc lên đến 10 ngày sau khi bạn tiếp xúc với bệnh thủy đậu và phải trước khi triệu chứng xuất hiện mới hiệu quả bạn nhé. Bởi vì VZIG không hoạt động một khi bạn đã nổi mụn nước.

3. Em bé của bạn bị ảnh hưởng như thế nào khi bạn bị thủy đậu trong lúc mang thai?

Nếu bạn bị thủy đậu:
● Khi thai nhỏ hơn 28 tuần: 
Bạn không tăng khả năng sẩy thai hay sinh non.
Chỉ khoảng 1% đến 2% em bé bị ảnh hưởng bởi thủy đậu.
Bạn sẽ được tư vấn bởi bác sĩ chuyên về tiền sản.
● Từ 28 đến 36 tuần của thai kỳ:
Vi-rút tồn tại trong cơ thể em bé nhưng không gây ra bất kỳ triệu chứng nào. Có thể em bé của bạn sẽ bị bệnh zona (hay dân gian còn gọi là bệnh dời leo) trong vài năm đầu đời.
● Sau 36 tuần cho đến khi sinh:
Em bé có thể bị nhiễm bệnh và có thể sinh ra bị thủy đậu.
● Trong khoảng thời gian sinh:
Nếu em bé được sinh ra trong vòng 7 ngày sau khi bạn bị nổi mụn nước hay nổi ban đỏ thủy đậu thì em bé có thể bị thủy đậu nặng. Em bé phải được điều trị.
● Trong vòng 7 ngày sau khi sinh:
Em bé có thể bị thủy đậu nặng và sẽ được điều trị. Em bé sẽ được theo dõi trong vòng 28 ngày sau khi bạn bị nhiễm bệnh.

4. Người mẹ bị ảnh hưởng như thế nào khi bị thủy đậu trong lúc mang thai?

Bị thủy đậu trong lúc mang thai có thể làm người mẹ tăng khả năng bị bệnh nặng như viêm phổi, viêm gan hay thậm chí là viêm não.

5. Bị thủy đậu khi mang thai thì điều trị như thế nào?

Bạn có thể được bác sĩ cho dùng thuốc kháng vi-rút gọi là Acyclovir trong vòng 24 giờ sau khi phát ban thủy đậu xuất hiện. Lưu ý là Acyclovir chỉ được dùng khi bạn mang thai hơn 20 tuần. Bởi vì dùng thuốc gì trong thai kỳ thì bác sĩ cũng cần cân nhắc kỹ giữa lợi và hại. Và khi bạn đã bị thủy đậu rồi thì hiện nay chưa có thuốc nào có thể ngăn ngừa em bé của bạn bị nhiễm thủy đậu trong tử cung.

Tóm lại:

Tin mừng thứ nhất là nếu bạn bị thủy đậu trước 36 tuần thai kỳ thì khả năng em bé của bạn bị thủy đậu là rất thấp, nhưng bạn vẫn cần đến bác sĩ ngay để được tư vấn và điều trị thuốc (nếu cần).
Tin mừng thứ hai là thủy đậu (trái rạ) là một bệnh có thể tiêm ngừa để phòng tránh nếu lúc nhỏ bạn chưa từng mắc bệnh. Nhưng phải tiêm trước khi dự định mang thai ít nhất 1 tháng bạn nhé.

Bài viết được dịch từ nguồn tài liệu của Hiệp hội sản phụ khoa Hoàng gia Anh (RCOG).

Phòng khám Ngọc Châu chúc các chị bầu luôn vui khỏe và xinh đẹp!

Để biết thông tin, tư vấn bạn có thể:


Cùng chuyên mục

Có liên quan khác

+


Lịch khám

Hotline
0919.272.911