SIÊU ÂM THAI CÓ HẠI GÌ KHÔNG?

BS Phan Diễm Đoan Ngọc

Hôm rồi có một bạn nhà ở quận 4, dân văn phòng hẳn hoi, dáng vẻ rất hiểu biết, đến khám thai lần đầu lúc thai đã gần 4-5 tháng! Mình ngạc nhiên hỏi ủa trước giờ em không đi khám thai hả, thai này là em vỡ kế hoạch hay là mong mà có? Em ấy thủng thẳng nói vợ chồng em mong con lắm đó, con đầu mà bác! Nhưng bà ngoại nhất định không cho đi siêu âm, sợ làm sẩy thai, chờ bụng lớn mới cho đi đó bác! Mình sựng lại vặn vẹo: nhưng giờ có google nhiều mà, em tìm trên mạng là biết liền chứ sao lại nghe theo bà ngoại vậy? Bạn ấy cũng điều trần: thì em có đọc là có ảnh hưởng đấy bác, làm bé nhẹ cân nè, bé dị tật nữa đó bác! Oái, cái gì vậy, ở đâu ra vậy, em đọc ở đâu, ôi có chuyện vậy sao mình không biết! Thế là về mò mẫm thực hư thế nào!

Cơ mà có thật các mẹ ạ! Chết thật! Mình tìm thấy một bài báo trên dantri.com viết như sau: “siêu âm có thể gây tổn thương đến não bộ của thai nhi. Theo đó, não bé trai có nguy cơ tổn thương nhiều hơn, để lại dị tật lâu hơn so với bé gái”, “trẻ sơ sinh thực hiện siêu âm màu từ 2 lần trở lên có nguy cơ tử vong chu sinh cao gấp 2 lần so với trẻ sơ sinh không thực hiện siêu âm này”!

Ôi em lạy mấy thánh! Mấy thánh viết bài mà không ghi rõ nghiên cứu gì, ai làm, ở đâu mà phán “như thần”! Nếu mấy thông tin này mà đúng thì chắc chắn nó sẽ gây chấn động trong ngành y khoa và người ta sẽ dẹp, cấm siêu âm giống như cấm chụp X quang trong thai kỳ luôn á! Thế nên mới nói thông tin trên google cứ như con dao hai lưỡi! Bạn đọc đúng nguồn biết chọn lọc thông tin thì rất hữu ích! Nhưng mà nếu đọc phải mấy báo lá cải, “thánh cào phím” thì đủ biết tác hại như thế nào! Thôi thì mình đành phải ngồi lọ mọ viết đôi dòng để thanh minh cho siêu âm vậy!

Bạn ạ! Máy siêu âm được phát minh cách đây hơn nửa thế kỷ và kể từ đó đến nay nó được xem là một trong những phát minh vĩ đại của ngành y! Ứng dụng của nó thì bao la và hầu như trong tất cả các chuyên khoa hiện nay từ não đến tim gan phèo phổi đến cả cơ xương khớp! Còn trong sản phụ khoa thì khỏi nói, siêu âm được ví như tai mắt của bác sĩ! Đã qua lâu rồi cái thời bác sĩ phải nhìn sờ mò mẫm mới biết được thai có suy dinh dưỡng hay là ngôi thai có nằm ngược hay không! Kỹ thuật siêu âm hiện nay đã rất tiên tiến, không chỉ phát hiện được các dị tật lớn như não vô sọ, thiểu sản chi…mà các dị tật rất chi là bé, thậm chí cả dị tật tim cũng phát hiện được từ rất sớm, giúp ích rất nhiều cho quá trình tư vấn, chuẩn bị kỹ lưỡng cho bé yêu của bạn trước khi chào đời.

MÁY SIÊU ÂM HOẠT ĐỌNG NHƯ THẾ NÀO MÀ THẦN KỲ VẬY?

Cơ chế hoạt động của máy siêu âm không sử dụng tia phóng xạ như X quang. Nó truyền các sóng âm thanh từ đầu dò máy, qua thành bụng đến em bé của bạn và sau đó sóng sẽ dội trở lại. Tùy vào vị trí mô, mức độ phản âm khác nhau mà sóng dội lại sẽ khác nhau. Đầu dò sẽ nhận các sóng dội lại như vậy và nhờ phần mềm phân tích thành hình ảnh mà bạn thấy trên màn hình siêu âm.

VẬY SIÊU ÂM CÓ AN TOÀN KHÔNG?

Liệu sóng âm “mạnh quá” có thể ảnh hưởng đến não hay sự phát triển về sau của bé không?
Có một vấn đề người ta hay quan tâm là sóng âm khi truyền vào mô có thể làm tăng nhiệt độ của mô, nói nôm na là “nóng thai”! Tuy nhiên lượng nhiệt này thường dưới 1 độ C nên bạn không cần phải quá lo lắng! Loại siêu âm thường được sử dụng nhiều nhất là siêu âm 2 chiều (2D). Siêu âm này có cường độ siêu âm thấp trải rộng trên một khu vực rộng lớn, gây ra sự nóng lên rất nhỏ. Hơn nữa, dịch ối xung quanh em bé của bạn và bất kỳ chuyển động nào cũng có thể giúp truyền nhiệt.
Siêu âm 3 chiều (3D) chuyển đổi hình ảnh 2 chiều thành hình ảnh trong không gian 3 chiều giúp bạn dễ hình dung hơn. Vì vậy, cường độ năng lượng cũng giống như khi quét 2D trong vài giây. Siêu âm 4D cung cấp hình ảnh chuyển động dưới dạng video và có công suất cao hơn siêu âm 2D. Do đó, các bác sĩ khuyên không nên quét 4D trong nửa đầu của thai kỳ. Đó là bởi vì trong những tuần đầu, em bé của bạn nhỏ hơn và ít hoạt động hơn, có nghĩa là sức nóng từ việc quét mạnh hơn sẽ ít dễ lây lan hơn.
Thế còn siêu âm đầu dò âm đạo thì sao? Mình đã từng gặp có BN siêu âm đầu dò xong về bị ra máu rồi sẩy thai rồi khóc bù lu bù loa lên là siêu âm làm cho bạn bị sẩy thai. Ôi vậy thì oan cho siêu âm quá! Siêu âm đầu dò âm đạo sử dụng đầu dò đưa vào âm đạo của bạn để gần tử cung hơn để khảo sát những thai quá nhỏ, thai ngoài tử cung mà siêu âm bụng không thể quan sát được. Đầu dò này chỉ áp lên cổ tử cung chứ không đưa vào buồng tử cung “đụng thai” mà làm sẩy thai đâu bạn nhé. Nếu có chỉ là trùng hợp và thực tế là những trường hợp thai sớm ra huyết bác sĩ phải sử dụng đầu dò âm đạo mới có thể quan sát được mặc dù điều này có thể làm cho bạn khó chịu hơn đầu dò bụng.

Về độ an toàn của siêu âm thì hiện có nhiều nghiên cứu, khuyến cáo của nhiều hiệp hội trên thế giới! Mình xin dẫn ra đây một khuyến cáo của Hiệp Hội Sản Phụ Khoa Hoa Kỳ để đại diện cho bạn nhé (sính ngoại thì lựa đồ Mỹ cho đáng tin)! ĐẾN THỜI ĐIỂM HIỆN TẠI (mình không dám nói tương lai do y khoa thay đổi liên tục), chưa có bằng chứng nào cho thấy siêu âm ảnh hưởng đến thai nhi! Người ta chưa tìm thấy mối liên hệ nào giữa siêu âm với dị tật thai, ung thư ở trẻ em hay các rối loạn về phát triển khi trẻ lớn lên. Tuy nhiên khuyến cáo cũng nói rất rõ là CHƯA không có nghĩa là KHÔNG và biết đâu được trong tương lai sẽ có những nguy cơ được tìm thấy! Do đó siêu âm cần được thực hiện dưới chỉ định của bác sĩ vì lý do y khoa chứ không nên vì “thích”, vì “muốn nhìn mặt em bé” hay xem “của quý” của bé bạn nhé!

Bài viết hơi dài dòng một xíu! Mong là giúp ích được cho những bạn đang lăn tăn có nên siêu âm hay không! Câu trả lời là NÊN, RẤT NÊN nữa là đằng khác! Tuy nhiên mình biết có bạn còn lăn tăn về nhiều dụ khác như: khi nào thì cần siêu âm, có những mốc quan trọng nào mà bạn không nên bỏ qua và bao nhiêu lần siêu âm là đủ…? Khi nào rảnh sẽ viết tiếp! Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh!

Để biết thông tin, tư vấn bạn có thể:


Cùng chuyên mục

Có liên quan khác

+


Lịch khám

Hotline
0919.272.911